Nhằm thực hiện chương trình hiện đại hóa, tự động hóa lưới điện thông minh theo Đề án “Phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, những năm qua, Công ty Điện lực Cao Bằng (PC Cao Bằng) đã đặc biệt chú trọng tới công tác đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống trạm biến áp (TBA) 110kV không người trực, đầu tư các giải pháp phát triển tự động hóa lưới điện trung áp nhằm góp phần nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí, tăng tính hiệu quả và đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy.
Xây dựng lưới điện thông minh bằng tinh thần vượt khó
Mặc dù còn gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức do hoạt động trên địa bàn của một tỉnh miền núi, biên giới, song PC Cao Bằng luôn xác định việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, cùng khoa học công nghệ hiện đại trong công tác phát triển lưới điện, quản lý vận hành hệ thống điện để tăng năng suất lao động, cũng như nâng cao độ tin cậy cung cấp điện phục vụ khách hàng.
Theo đó, thời gian qua, Công ty đã bỏ ra nhiều công sức, chi phí để xây dựng Trung tâm Điều khiển tại trụ sở Nhà điều hành sản xuất PC Cao Bằng và lắp đặt, nâng cấp hệ thống thiết bị tại các TBA 110kV hiện hữu để chuyển các TBA 110kV sang chế độ vận hành không người trực. Việc thu thập thông số kỹ thuật, trạng thái vận hành của các thiết bị tại TBA không người trực thông qua hệ thống giám sát điều khiển từ xa (SCADA) qua các kênh truyền dẫn, mạng máy tính được bảo mật cao, có kết nối dự phòng luôn đảm bảo tính sẵn sàng làm việc 100%. Ngoài ra, các hệ thống phụ trợ tại TBA không người trực như: Giám sát an ninh; hệ thống báo cháy; báo khói tự động… được truyền về Trung tâm Điều khiển hiển thị bằng hình ảnh trực quan phục vụ công tác theo dõi, quản lý trạm.
TBA 110kV Chu Trinh E16.7 và…
TBA 110kV Bảo Lâm chuyển chế độ không người trực
Ông Nguyễn Hoài Đức – Phó Giám đốc PC Cao Bằng cho biết: Những ngày đầu triển khai mô hình TBA không người trực, Công ty đã gặp phải không ít những khó khăn bởi hệ thống lưới điện đi qua rất nhiều địa hình phức tạp của đồi núi, sông suối; các TBA cách xa nhau cũng tạo bất lợi trong khâu điều khiển, kiểm tra tình hình vận hành thiết bị. Hơn nữa, việc chuyển đổi các TBA có người trực truyền thống sang TBA không người trực đòi hỏi Ban Lãnh đạo Công ty phải tính toán và giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động do phải sắp xếp lại. Ngoài ra, công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho nhân viên quản lý vận hành cũng phải được chú trọng… Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả, PC Cao Bằng đã hoàn tất quá trình xây dựng và chuyển đổi các TBA 110kV trên địa bàn tỉnh sang mô hình TBA không người trực (04/04 TBA 110kV) với tỷ lệ thao tác xa thành công của các thiết bị máy biến áp, máy cắt, dao cách ly… là 97 %. Qua đó, đã góp phần tạo bước tiến lớn trên lộ trình xây dựng lưới điện thông minh”.
Trưởng kíp Trung tâm điều khiển chuyển nấc phân áp MBA 110kV từ xa đảm bảo tiêu chuẩn điện áp tới khách hàng
Mô hình TBA không người trực đem lại nhiều hiệu quả thiết thực
Theo ông Bế Trường Giang – Trưởng phòng Điều độ, kiêm Trưởng Trung tâm điều khiển, PC Cao Bằng cho biết: “TBA không người trực là giải pháp tối ưu cho điều khiển hệ thống điện trên địa bàn tỉnh hiện nay. Khi TBA không người trực vào vận hành việc thu thập thông số kỹ thuật đều được thực hiện tự động, phần lớn các thao tác trên hệ thống thiết bị được thao tác từ xa và được giám sát trực tiếp qua hệ thống camera từ Trung tâm Điều khiển. Nhóm công nhân vận hành trực tiếp tại trạm trước đó được sắp xếp thành từng tổ thao tác lưu động quản lý nhiều TBA 110kV giúp tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả vận hành”
Nỗ lực phát triển tự động hóa lưới điện trung áp
Bên cạnh đó, PC Cao Bằng nỗ lực thực hiện nâng cấp, lắp đặt bổ sung các thiết bị thao tác từ xa như máy cắt (Recloser), dao cắt tải (LBS), thiết bị hợp bộ chức năng kết nối, đo lường, điều khiển máy cắt (RMU) tại những vị trí quan trọng trên lưới điện trung áp. Tính đến tháng 4/2024 PC Cao Bằng đã quản lý vận hành 153 thiết bị Recloser, LBS, RMU trung thế và luôn có kết nối tốt qua đường truyền 3G, Cáp quang về Trung tâm điều khiển. Đến nay đã hoàn thành xây dựng, vận hành 07 mạch vòng tự động hóa trung áp (DMS) để hỗ trợ Điều độ viên Trung tâm điều khiển xử lý khi có sự cố xảy ra. Từ đó việc chỉ huy, thao tác vận hành, điều độ lưới điện đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Giúp giảm thời gian thao tác, rút ngắn thời gian bảo trì bảo dưỡng, xử lý sự cố… nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, góp phần giảm tổn thất điện năng.
Màn hình hiển thị trạng thái các thiết bị Recloser, LBS, RMU trên lưới điện trung áp kết nối về Trung tâm điều khiển
Hơn nữa, khi gặp điều kiện thời tiết xấu như: Mưa gió, bão lũ… việc thao tác từ xa giúp nâng cao an toàn cho con người và thiết bị. Mặt khác, khi theo dõi đặc tính vận hành của hệ thống lưới điện tại Trung tâm điều khiển. Điều độ viên sẽ biết chính xác được tình hình vận hành thực tế trên lưới điện áp, dòng điện, công suất… để điều hành nguồn điện an toàn, ổn định. Chính nhờ áp dụng công nghệ này nên tình trạng các thông số vượt ngưỡng đã không còn xảy ra.
“Nếu như trước đây, khi lưới điện xảy ra sự cố, nhân viên vận hành phải thông qua khách hàng phản ánh hoặc dò tìm thủ công để xác định nguyên nhân, khoanh vùng sự cố. Thì hiện nay, Điều độ viên trong ca trực sẽ nhanh chóng phát hiện sự cố thông qua các thiết bị được kết nối truyền thông như Recloser, LBS, bộ cảnh báo sự cố trên lưới đưa về Trung tâm điều khiển nên việc khoanh vùng và dò tìm sự cố sẽ được triển khai nhanh chóng, tiết kiệm công sức. Đặc biệt, thông qua ứng dụng DMS (Tự động hóa mạch vòng) sẽ cho phép cô lập và tự động khôi phục cấp điện cho các phân đoạn bị ảnh hưởng bởi sự cố một cách nhanh chóng, chính xác góp phần nâng cao độ ổn định cung cấp điện, đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, liên tục.” Ông Bế Trường Giang – Trưởng phòng Điều độ, kiêm Trưởng Trung tâm điều khiển – PC Cao Bằng cho biết thêm.
Có thể khẳng định, việc xây dựng và đưa vào vận hành TBA 110kV không người trực, xây dựng hệ thống tự động hóa lưới điện trung áp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công cuộc hiện đại hoá, tự động hoá theo lộ trình xây dựng lưới điện thông minh. Điều này góp phần thực hiện tốt công tác quản lý vận hành và giảm tổn thất điện năng, nâng cao độ tin cậy, bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục, đáp ứng được các yêu cầu sử dụng điện ngày càng cao của khách hàng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Nguyễn Thịnh, Hoàng Nghĩa, Hoàng Yến & Nguyễn Sơn – PC Cao Bằng