Trong những năm qua, Công ty Điện lực Cao Bằng luôn hoàn thành các chỉ tiêu SXKD Tổng công ty Điện lực miền Bắc giao. Giai đoạn 2021 – 2022 với mục tiêu chuyển đổi số là hướng tới khách hàng, lấy khách hàng làm trọng tâm phục vụ đem đến sự hài lòng khi sử dụng sản phẩm dịch vụ thuận tiện, nhanh gọn, chất lượng và chi phí hợp lý nhất; Nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục. Đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, năng suất và chất lượng công việc cho người lao động.
Để hoàn thành mục tiêu trên Công ty Điện lực Cao Bằng triển khai đồng bộ các giải pháp và từng bước đẩy mạnh chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực. Trong đó, có thể kể tới chuyển đổi số lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng. Hiện nay khách hàng có thể sử dụng các dịch vụ điện trực tuyến thông qua Website TTCSKH; Cổng dịch vụ công Quốc gia, Website Công ty… đã tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng dễ dàng tiếp cận sử dụng các dịch vụ điện, truy vấn và chủ động nắm bắt thông tin sử dụng điện nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm được thời gian, công sức thay vì phải thực hiện các yêu cầu, giao dịch thủ công góp phần làm gia tăng giá trị các hoạt động khác của khách hàng sử dụng điện.
Các dịch vụ phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán điện đều được thực hiện bằng 100% hình thức điện tử. Nghiệp vụ kinh doanh dịch vụ khách hàng tại hiện trường được thực hiện 100% bằng thiết bị thông minh kết nối với cơ sở dữ liệu quản lý khách hàng cho số liệu chính xác và nhanh chóng, khách hàng chỉ cần xác thực bằng mã OTP gửi về số điện thoại của khách hàng để hoàn thiện biên bản, hợp đồng.
Ngoài ra, Khách hàng sử dụng điện có thể dễ dàng thanh toán tiền điện trực tuyến mà không cần phải đến nộp trực tiếp tại các điểm thu hay phòng giao dịch khách hàng. Để tạo thuận lợi cho khách hàng thực hiện thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, Công ty Điện lực Cao Bằng đã ký kết hợp đồng ủy quyền thu tiền điện qua các ngân hàng đóng trên địa bàn tỉnh gồm: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – CN Cao Bằng (Vietinbank), Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam – CN Cao Bằng (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – CN Cao Bằng (Agribank). Cùng với đó, Công ty ký kết với 03 đơn vị trung gian để thực hiện dịch vụ thu hộ tiền điện gồm: Bưu điện tỉnh Cao Bằng, Viettel Cao Bằng – Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội, Công ty cổ phần dịch vụ trực tuyến (Payoo). Ngoài ra còn thực hiện ký kết tập trung tại Tổng công ty Điện lực miền Bắc với các đối tác như Tổng công ty truyền thông (VNPT MEDIA); Công ty cổ phần dịch vụ di động trực tuyến (MOMO); Công ty cổ phần Zion (ZALOPAY); Công ty cổ phần giải pháp thanh toán Việt Nam (VN PAY); Công ty cổ phần công nghệ Vimo (VIMO). VNPT Money với VNPT…Đây là một trong những bước đột phá trong giao dịch thanh toán hóa đơn tiền điện, ứng dụng công nghệ thông tin để khách hàng thanh toán tiền điện thuận tiện, nhanh chóng và an toàn nhất.
Điện lực thành phố Cao Bằng phối hợp với VNPT Cao Bằng ra quân phát triển khách hàng thanh toán tiền điện qua VNPT Money
Công tác chăm sóc khách hàng được đẩy mạnh bằng hình thức nhắn tin qua Zalo, SMS cung cấp các thông tin cung cấp điện, dịch vụ điện của của ngành Điện.
Cùng với đó, Công ty đã triển khai lắp đặt các công tơ điện tử có chức năng đo xa trên lưới điện. Việc ứng dụng công nghệ đo xa cũng giúp công tác quản lý, vận hành lưới điện có sự thay đổi rõ rệt. Cụ thể, khi sử dụng công tơ điện tử thu thập dữ liệu từ xa giúp nhân viên quản lý vận hành dễ dàng theo dõi các thông số vận hành của từng điểm đo, nâng cao năng suất lao động và đảm bảo an toàn hơn.
Trong vận hành lưới điện, Công ty đã triển khai Đề án “Phát triển lưới điện thông minh”. Tiêu biểu trong đó là Trung tâm điều khiển xa và các TBA không người trực. Triển khai tự động hóa mạch vòng lưới điện trung áp trên không với quy mô: thay thế 03 Recloser; Kết nối 03 Recloser về Trung tâm điều khiển xa (TTĐKX); Xây dựng cơ sở dữ liệu, triển khai 04 mạch vòng tự động hóa mạch vòng trung áp, nghiệm thu đóng điện thành công đưa vào vận hành ngày 21/6/2022. Đây là những công nghệ khi đi vào vận hành đã mang lại những hiệu quả thiết thực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty. Qua đó, giúp giảm lực lượng lao động tại các trạm biến áp (TBA) 110kV, phát hiện sớm sự cố trên lưới và kịp thời sửa chữa, khắc phục, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện,…
Công nhân Điện lực kiểm tra đường dây bằng flycam
Công tác sửa chữa bảo dưỡng không những dựa trên các điều kiện thực tế mà còn khai thác tiện lợi dữ liệu qua các ứng dụng, phần mềm để sớm phát hiện các nguy cơ có thể gây ra sự cố. Công ty đã huấn luyện, hướng dẫn cho 100% công nhân viên trong đơn vị sử dụng máy đo phóng điện cục bộ PD, Camera nhiệt, Flycam và cập nhật lên phần mềm số hóa. Công nhân kiểm tra lưới điện cũng được thực hiện nhanh chóng trên App mobile…
Bên cạnh đó, việc đảm bảo hành lang an toàn lưới điện luôn được Công ty nghiêm túc thực hiện. Ngay từ đầu năm Công ty đã thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa như thực hiện công tác dân vận, tuyên truyền với bà con nhân dân. Phối hợp với Đoàn thanh niên phát động, ra quân với phương châm ‘‘Nói không với sự cố cây đổ vào đường dây’’ góp phần giảm nhiều vụ sự cố chủ quan gây ra.
Công nhân Điện lực và đoàn viên thanh niên phát quang hành lang lưới điện
Trong quy trình nghiệp vụ, quản trị nhân lực, văn phòng cũng được Công ty đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số bằng việc triển khai các phần mềm quản lý, số hóa chữ ký,… công tác bồi dưỡng chuyên môn và tay nghề cho CBCNV cũng được chú trọng. Công ty tập trung hoàn thành các đợt đào tạo trực tuyến, qua đó bồi dưỡng các kiến thức cần thiết cho CBCNV thông qua các bài Elearning và đều đã hoàn thành ở mức cao, phấn đấu tỷ lệ lao động được đào tạo có chất lượng ngày càng tăng, năng suất lao động năm sau cao hơn năm trước.
Việc triển khai chuyển đổi số áp dụng trong mọi lĩnh vực giúp Lãnh đạo Công ty quản lý điều hành hiệu quả hơn; Số liệu kết quả sản xuất kinh doanh được tổng hợp chính xác, kịp thời từ đơn vị Điện lực đến Tổng công ty Điện lực miền Bắc; Tiến độ công việc được kiểm soát chẽ; Quy trình nghiệp vụ được thực hiện tuân thủ nghiêm túc; Tương tác giữa các bộ phận nghiệp vụ được thực hiện nhanh chóng trên không gian số; …. Qua đó giảm thiểu đáng kể thời gian, chi phí trực tiếp cho quản lý công tác kinh doanh dịch vụ khách hàng, nâng cao hiệu quả quản lý, năng suất và chất lượng công việc.
Để đạt được kết quả như hiện nay ngay từ khi mới triển khai lãnh đạo Công ty Điện lực Cao Bằng rất quan tâm và hiểu rõ đây là việc thay đổi tư duy để ứng dụng những lợi ích mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Công ty đã tổ chức các buổi tập huấn, hội nghị trực tuyến đào tạo nhận thức chuyển đổi số cho cán bộ công nhân viên, qua đó từng cán bộ công nhân viên hiểu rõ vai trò, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình.
Từ việc triển khai đồng bộ các giải pháp cùng với sự quyết tâm thực hiện của các cấp quản lý và người lao động trong Công ty Điện lực Cao Bằng, phát huy tinh thần sáng tạo, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội cho tỉnh nhà.
Như Quỳnh – PC Cao Bằng