Có ai đó đã ví cuộc đời những người thợ điện giống như những người lính giữa thời bình, áp lực công việc phải luôn giữ tinh thần “sẵn sàng chiến đấu” như trên chiến trường. Có lẽ thế, để gắn bó lâu dài với nghề cần phải có sự đam mê, không ngại khó khăn, vất vả.

Theo được nghề điện không hề đơn giản, đòi hỏi người thợ phải có những phẩm chất riêng như lòng yêu nghề, sự dũng cảm, tinh thần đồng đội. Chỉ khi có tình yêu nghề, họ mới có động lực gắn bó, mới thấu hiểu được vai trò cũng như những trọng trách mình đang mang để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nghề thợ điện mang những nét rất riêng, những người thợ điện luôn tỏa sáng với tình yêu nghề, sự nỗ lực vì dòng điện quê hương.

Công nhân Điện lực Cao Bằng trên đường đưa điện về với bản làng

Một mùa xuân mới đã lại về, sắc cam của những người thợ điện Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói chung và Công ty Điện lực Cao Bằng nói riêng vẫn ngày đêm bám tuyến, tỏa đi muôn nơi để đưa nguồn sáng an lành – an toàn – an tâm đến với mảnh đất quê hương, giữa tiết trời sang xuân đang tỏa nắng ấm áp, yên bình.

Xuân về, sắc cam của những công nhân hòa quyện trong sắc mai vàng rực rỡ hay đỏ thắm của những cành đào là hình ảnh những “nốt nhạc” cam ấm áp, hiền hòa của người thợ đang lơ lửng trên các cột điện cao vút hay trong những xóm nhỏ, gia đình có hoàn cảnh khó khăn để kéo dây, sửa điện, mang mùa xuân, niềm tin và sự ấm áp đến với bà con nông dân huyện ngoại thành. Bất kể thời tiết, dù nắng hay mưa, dù trời tối hay sáng sớm, hễ khi có giông bão, lưới điện bị sự cố, các anh công nhân ngành Điện vẫn luôn có mặt sớm nhất để xử lý, chỉ khi nào khắc phục xong sự cố, đóng điện cho người dân sử dụng, các anh mới được phép rời hiện trường công tác. Hạnh phúc làm sao khi vang lên những tiếng reo vui “Có điện rồi!…” của người dân. Có lẽ, đó là phần thưởng “tinh thần” có giá trị nhất, mà người thợ điện nhận được trong cuộc đời và nghề nghiệp của mình. Giây phút ấy thật sự có ý nghĩa với người thợ điện, khi đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Công nhân đồng lòng để đưa dòng điện đến nhanh nhất với bà con bản làng

Yêu nghề, tận tâm phục vụ cộng đồng, những anh thợ điện vùng sâu, vùng xa mới có thể không ngại gian nan, cực nhọc, dù trong mưa bão vẫn bám sát nhiệm vụ cung cấp điện an toàn và liên tục cho người dân vùng sâu, vùng xa. Có khi công nhân điện phải đi bộ, trèo đèo, vượt núi quyết tâm cấp lại điện sớm nhất cho bà con sau khi nguồn điện bị gián đoạn do thiên tai, lũ lụt… hoặc triển khai các công trình đưa điện về vùng nông thôn, vùng sâu, cấp điện đến các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Có yêu nghề, công nhân trực vận hành, thợ đường dây mới luôn ngày đêm bám máy, bám tuyến… giữ cho “nhịp đập trái tim” luôn “khỏe mạnh” để “mạch máu” lưu thông không ngừng, trực vận hành giữ cho dòng điện an toàn, liên tục để phục vụ tất cả nhu cầu về điện của người dân. Theo chân người thợ đường dây, chứng kiến nỗi cực nhọc của công nhân điện thi công công trình đầu tư xây dựng cấp điện khu vực vùng sâu, vùng xa, lưng áo ướt đẫm, trên mặt còn lấm tấm những giọt mồ hôi mới thấy thấm thía phần nào, những công việc của họ.

Nghề thợ điện không chỉ vất vả mà còn vô cùng nguy hiểm, bởi chỉ một sơ suất nhỏ có thể nguy hại tới tính mạng của bản thân và đồng nghiệp. Với người thợ điện, chuyện ăn cơm không đúng bữa hay ăn vội bên cột điện, giữa đồng không mông quạnh đã trở thành chuyện thường tình, anh Nông Thành Sâm (Điện lực Thành Phố) chia sẻ: “Cứ nghe có điện thoại hay tin nhắn thông báo sự cố thì dù nửa đêm gà gáy cũng phải lên đường. Có khi mới về nhà bưng bát cơm lên cũng phải đặt xuống đi vội vì có sự cố gây mất điện”.

Vất vả không chỉ trong mùa mưa gió, bão lũ mà ngay cả trời nắng nhiệt độ lên cao, nhu cầu sử dụng điện tăng cũng là lúc người thợ điện hoạt động “hết công suất”.  Với những người thợ điện đường dây, chuyện xuất phát từ 2-3 giờ sáng để đến nơi làm việc là chuyện thường ngày. Không chỉ vậy, mỗi khi đến vị trí cột, việc đầu tiên họ phải phát quang cây, bụi rậm để giữ khoảng cách an toàn. Thế nên, đã có không ít người phải nhập viện vì bị ong đốt, rắn cắn.

Anh Lê Hải Đăng (Đội QLVH đường dây – Điện lực Thành phố) cho biết: “Đi làm ở vùng rừng núi âm u, bị muỗi đốt, ong chích, giẫm rắn bị cắn… hầu như ai cũng từng trải. Nhiều lúc bơi qua sông, suối gặp những vũng nước sâu, không ít người đã bị hụt chân. Nhưng mệt hơn vẫn là những lần kéo chiếc máy tời nặng, đường bằng phẳng đã khó, huống chi dùng sức người kéo qua địa hình đồi núi, dốc”.

Công nhân đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế vệ sinh bảo dưỡng đường dây

Dưới ánh nắng gay gắt, “người lính” 110kV treo mình cheo leo trên cột điện cao thế để vệ sinh bảo dưỡng cũng như tăng cường lèo phụ bổ sung tại vị trí các cột. Cũng có khi những người thợ điện ấy phải dầm mình xuống đồng ruộng hay sông suối để đưa dây lên cho đồng nghiệp kéo. Ướt sũng, lấm lem bùn đất là thế nhưng anh em vẫn vui vì đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Với tình yêu nghề và nhiệt huyết luôn tràn đầy, những người thợ quản lý vận hành lưới điện cao thế vẫn ngày đêm lặng thầm túc trực bên những trạm biến áp và song hành với những tuyến đường dây, họ là những tấm gương sáng về tinh thần phục vụ nhân dân tận tụy, không biết mệt mỏi, không quản ngại gian nan. Nét đẹp người thợ điện đã góp phần làm tỏa sáng thêm cho hình ảnh EVN giàu truyền thống cách mạng. Những người công nhân áo cam giống như những chiến sĩ thầm lặng, vì nhân dân phục vụ, đưa dòng điện thân yêu đến mọi miền tổ quốc, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp vào công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Ví như những vần thơ mà ai đó đã viết:

“Có thể nào quên những ngày gió rét
Lúc mưa sa bão tố cuồng phong
Lúc toàn thân gió Lào về nung nóng
Thợ điện trên cao mải miết lặng thầm.

Điện chảy về khắp chốn mọi nơi
Thắp sáng niềm tin trong dân, với Đảng
Quê hương mình bừng lên ánh sáng
Thỏa ước mơ năm tháng mong chờ.

Thợ điện mình lại hát, ngâm thơ
Quên mệt nhọc… lại mơ lại mộng
Yêu cuộc đời, tin yêu cuộc sống
Khi chiều về vui hạnh phúc bên nhau.

Thợ điện hôm nay và cả mai sau
Tiếp nối cha anh thắp lên ánh sáng
Cần cù chuyên cần miệt mài năm tháng
Thắp sáng niềm tin cho Tổ quốc mạnh giàu”

Bằng nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể cán bộ công nhân viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói chung, Công ty Điện lực Cao Bằng nói riêng, dòng điện – dòng máu của Tổ quốc đã lan tỏa đến khắp mọi miền, từ thành thị đông vui náo nhiệt, cho đến biên cương, hải đảo xa xôi, hạnh phúc của nhân dân cũng đơm hoa kết trái trên mỗi cung đường dòng điện đi tới.

 

Nguyễn Thị Hồng – PC Cao Bằng

Có thể bạn quan tâm

Tổng đài 1900 6769