NANGLUONGVIETNAM – Trước khi “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia từ năm 2020 đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được phê duyệt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, đưa công nghệ thông tin vào phục vụ sản xuất, kinh doanh, quản lý, điều hành… tạo ra giá trị kinh tế xã hội ngày càng cao. Sơ kết đến Ngày chuyển đổi số Quốc gia (10/10/2023), EVN đã có những bước tiến mới căn bản về hoạt động quản lý, điều hành và sản xuất, kinh doanh.
Chuyển đổi số của EVNNPT: Thành tựu, khó khăn và mục tiêu hướng tớiChuyển đổi số của EVNNPT: Thành tựu, khó khăn và mục tiêu hướng tới
Chuyển đổi số giúp EVNSPC tăng hiệu quả kinh doanh và chất lượng dịch vụ khách hàngChuyển đổi số giúp EVNSPC tăng hiệu quả kinh doanh và chất lượng dịch vụ khách hàng
EVNHCMC - Doanh nghiệp nhà nước đầu tiên được xác nhận mức độ chuyển đổi sốEVNHCMC – Doanh nghiệp nhà nước đầu tiên được xác nhận mức độ chuyển đổi số
Chuyển đổi số giúp EVNHANOI nâng cao độ tin cậy cung cấp điệnChuyển đổi số giúp EVNHANOI nâng cao độ tin cậy cung cấp điện

Đi đầu về chuyển đổi số:

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, từ năm 2020, EVN đã bắt tay vào đánh giá thực trạng số hóa, ứng dụng khoa học, công nghệ của Tập đoàn. Đồng thời, nghiên cứu xu hướng chuyển đổi số trong ngành điện của các trong khu vực và thế giới. Từ đó đưa ra những định hướng, quyết sách đúng đắn trong công cuộc chuyển đổi số trong toàn Tập đoàn. Theo đó, EVN đã cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào cuối năm 2022 và hướng tới doanh nghiệp số vào năm 2025.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, EVN đã phối hợp với các đơn vị tư vấn nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng những thuận lợi, khó khăn trong triển khai chuyển đổi số.

Bên cạnh những thuận lợi như các hệ thống viễn thông, công nghệ thông tin đã cơ bản đáp ứng được công tác phục vụ điều hành sản xuất, kinh doanh, Tập đoàn vẫn còn đó không ít khó khăn, thách thức như:

– Hệ thống thông tin quản lý có tính tích hợp và liên thông chưa cao.

– Các tiện ích khai thác số liệu chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu ngày cao của Tập đoàn.

– Công nghệ mới nhất liên quan đến CMCN 4.0 mới được ứng dụng ở mức độ hạn chế.

– Trình độ nhân sự chưa đồng đều, nhân lực đáp ứng được yêu cầu công nghệ mới…

Với tinh thần chủ động, tích cực thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về chuyển đổi số, ngày 11/1/2021 Đảng ủy EVN đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/ĐU về việc “Thực hiện chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam”. Theo đó, ngày 17/2/2021, Hội đồng Thành viên Tập đoàn đã có Nghị quyết số 68/NQ-HĐTV thông qua Đề án tổng thể Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam đoạn 2021 – 2025. Đây là cơ sở để các đơn vị xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi số của đơn vị mình, thống nhất theo định hướng, chỉ tiêu được Tập đoàn giao.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống, chỉ trong một thời gian ngắn công tác chuyển đổi số ở EVN đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Điển hình như Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh là đơn vị đầu tiên trong cả nước được Bộ Thông tin và Truyền thông chứng nhận là Doanh nghiệp số. Tiếp đến, một số đơn vị như: Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin, Tổng công ty Phát điện 3, Tổng công ty Phát điện 1, Tổng công ty Điện lực miền Trung, Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực miền Nam cũng lần lượt nhận giải thưởng Chuyển đổi số quốc gia.

Từ những bước đi vững chắc căn cơ trong công tác chuyển đổi số năm 2019, EVN đã được Chính phủ cho phép cung cấp dịch vụ điện trực tuyến mức độ 4 – mức độ cao nhất trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Đến năm 2022, EVN tiếp tục được Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bằng kinh nghiệm và cách làm hiệu quả, cả 2 dịch vụ trên đây đều được EVN hoàn thành vượt mức trước thời gian.

Bám sát chủ đề Ngày chuyển đổi số Quốc gia năm 2023 là: Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị, EVN đã mở rộng việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư cho 100% dịch vụ trực tuyến cấp độ 4 đang cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Đây cũng là nỗ lực của EVN trong việc thực hiện chủ đề năm 2023, góp phần đáng kể trong thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025. Hiện nay, hệ sinh thái số EVN đã và đang tiếp tục phát triển với mục tiêu tăng cường kết nối với các nền tảng chuyển đổi số quốc gia, khai thác tối đa nguồn dữ liệu chung để cung cấp dịch vụ một cách hiệu quả nhất.

Tiếp tục nâng cao chương trình chuyển đổi số quốc gia:

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là đòi hỏi khách quan của sự phát triển trong thời đại bùng nổ thông tin, mở ra cơ hội cho các quốc gia bứt phát đi lên. Ở nước ta, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp và người dân, chương trình chuyển đổi số quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu kép là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực vươn ra toàn cầu.

Ý thức sâu sắc điều đó, trong năm 2023, EVN đã xây dựng và ban hành kế hoạch chuyển đổi số tổng thể trong Tập đoàn. Trên cơ sở đó, các đơn vị trực thuộc, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ để xây dựng kế hoạch chuyển đổi số của đơn vị mình.

Theo đó, các ban chỉ đạo chuyển đổi số tiếp tục được củng cố và nâng cao năng lực hoạt động. Đặc biệt, Ban chỉ đạo chuyển đổi số EVN khẳng định: Sẵn sàng chấp nhận và thử nghiệm ý tưởng, công nghệ mới một cách có kiểm soát; hình thành văn hóa chấp nhận và thử nghiệm đổi mới sáng tạo, làm điểm, làm nhanh, sau đó đánh giá và nhân rộng; thúc đẩy đổi mới, phát triển sáng tạo.

EVN đã xác định các lĩnh vực trọng tâm để thực hiện chuyển đổi số bao gồm:

– “Số hóa dữ liệu”: Với mục tiêu “một hạ tầng, một cơ sở dữ liệu”, thống nhất trong toàn Tập đoàn 1 nền tảng chung, đồng nhất về công nghệ, về giải pháp kỹ thuật và quản trị cơ sở dữ liệu dùng chung. Chuẩn hóa, làm giàu cơ sở dữ liệu; đẩy mạnh thu thập, khai thác, phân tích dữ liệu từ hiện trường, kết nối với các hệ thống điều khiển/giám sát/vận hành để nâng cao giá trị dữ liệu của EVN, đáp ứng mục tiêu của chuyển đổi số.

– “Số hóa khách hàng”: Lấy khách hàng là trung tâm, phân tích hành vi để cung cấp các dịch vụ gia tăng, đảm bảo khách hàng có khả năng tương tác “mọi lúc, mọi nơi” trên không gian số, không ngừng nâng cao mức độ hài lòng cho khách hàng.

– “Số hóa quy trình nghiệp vụ”: Đẩy mạnh cải cách quy trình nghiệp vụ phù hợp với quá trình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong Tập đoàn, khuyến khích đổi mới, sáng tạo. Trong công tác quản trị nội bộ lấy người lao động làm trung tâm để xây dựng các ứng dụng số, cải tiến công việc bằng giải pháp mới cho việc sàng lọc, tìm kiếm và chia sẻ thông tin, hỗ trợ tốt nhất cho công việc và tiết kiệm thời gian, sức lao động.

Cùng với đó, EVN tiếp tục lộ trình ứng dụng khoa học, công nghệ trong các hoạt động; tận dụng thành tựu nghiên cứu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, nhân rộng các đề án đã và đang thực hiện có hiệu quả. Tăng cường an ninh bảo mật trong điều kiện các hoạt động của EVN chủ yếu diễn ra trên môi trường mạng, từ đó xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho hệ thống viễn thông, công nghệ thông tin và tự động hóa theo phương án hình thành Trung tâm điều hành an ninh bảo mật trong toàn hệ thống.

Là một trong những tập đoàn kinh tế lớn đi đầu trong chuyển đổi số, tin tưởng rằng, trong thời gian tới EVN sẽ chuyển đổi số toàn diện, mạnh mẽ hơn để phục vụ lợi ích của doanh nghiệp và của người dân./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Tổng đài 1900 6769